“Tài chính ngân hàng” – một ngành học vô cùng “hot” trong nhiều năm qua, hầu hết các trường Đại học, Cao đẳng đều có một khoa riêng để đào tạo chuyên ngành này. Cùng với tốc độ phát triển vượt bậc của xã hội, xu hướng kinh tế hội nhập, tài chính – ngân hàng đã trở thành lựa chọn hàng đầu của nhiều sinh viên. Trong bài viết hôm nay, chúng tôi sẽ phân tích rõ những vấn đề xoay quanh “Tài chính ngân hàng”, để giúp các bạn THPT có cái nhìn đa chiều hơn về ngành nghề này.
Nhu cầu nhân lực
Theo ông Trần Anh Tuấn (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo kinh tế Quốc tế, Giám đốc Chương trình Dự báo nhân lực) cho biết, nhu cầu nhân lực ngành tài chính ngân hàng dự đoán sẽ tăng 20%/năm. Từ năm 2020 – 2025, xu hướng nhân lực vẫn tiếp tục tăng và chưa có dự báo giảm lại. Bên cạnh đó, yêu cầu của nhà tuyển dụng ngày càng cao, đòi hỏi ứng viên phải có bằng Cao đẳng, Đại học và một số bằng cấp liên quan thì mới đáp ứng được tiêu chí tuyển dụng. Nếu các cơ sở đào tạo không đảm bảo đầu ra chất lượng hằng năm thì lực lượng lao động chất lượng cao trong ngành sẽ bị thiếu trầm trọng.
Tài chính ngân hàng là gì?
Tài chính ngân hàng là một phạm trù khá rộng, sẽ không có định nghĩa cụ thể về lĩnh vực này. Song, nó sẽ bao gồm những vấn đề liên quan đến giao dịch tiền tệ, tài chính doanh nghiệp, tài chính bảo hiểm, chứng khoán, phần tích tài chính,…
Học tài chính ngân hàng ra chỉ để làm ngân hàng?
Đây là suy nghĩ sai lầm của các bạn THPT khi chưa có nhiều kiến thức về lĩnh vực này. Thực tế, phạm trù tài chính ngân hàng là rất rộng như đã nói ở trên. Vì thế, sau khi học xong, nếu không muốn làm việc tại ngân hàng, sinh viên có thể xin việc ở các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, phụ trách các công việc liên quan đến vấn đề tài chính của công ty. Tóm lại, cơ hội nghề nghiệp ở lĩnh vực này khá nhiều, chủ yếu bản thân ứng viên có cố gắng trau dồi để theo kịp với tốc độ phát triển của kinh tế – xã hội hay không?
Muốn xin được việc tốt, bằng đại học có phải là yêu cầu duy nhất?
Thực tế cho thấy, bằng Đại học, Cao đẳng chỉ là điều kiện cần để giúp các nhà tuyển dụng xem xét thêm về hồ sơ của bạn. Nếu muốn xin được việc trong lĩnh vực này ở những công ty lớn, việc sở hữu tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ hay các chứng chỉ liên quan như ACCA, CFA, CPA là điều giúp bạn gây được ấn tượng tốt hơn.
Bên cạnh đó, ứng viên còn phải biết các nghiệp vụ cơ bản, thành thạo Excel, PivotTable, VBA, khả năng phân tích và làm việc cẩn thận với những con số. Đồng thời, dân tài chính ngân hàng phải làm việc thường xuyên với khối lượng công việc lớn, khả năng chịu được áp lực công việc cũng là yếu tố vô cùng quan trọng. Chính vì thế, nếu muốn theo đuổi ngành nghề này lâu dài, sinh viên cần phải rèn luyện bản thân rất nhiều ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Ngành tài chính ngân hàng có tỷ lệ rủi ro cao và khá vất vả
Ngành tài chính ngân hàng thường có tỷ lệ rủi ro cao và vất vả hơn so với những ngày khác, yêu cầu bạn luôn phải cẩn thận và tỉ mỉ, chỉ cần sai một con số cũng để lại hậu quả không ngờ tới. Bên cạnh đó, với khối lượng công việc nhiều, dẫn đến làm thêm giờ là điều khó tránh khỏi. Ngoài ra, khi phải tiếp xúc thường xuyên với các con số ở tần suất dày đặt sẽ khiến các nhân viên bị căng thẳng, áp lực cao.
Mức lương
Nhìn theo một cách tích cực, mức lương sẽ phụ thuộc vào giá trị của bạn cũng như những gì bạn mang lại cho doanh nghiệp, sẽ chẳng có một công ty, doanh nghiệp nào muốn bỏ lỡ những ứng viên sáng giá. Tuy nhiên, hàng năm vẫn có rất nhiều ứng viên ứng tuyển vào ngành nghề này bởi tính chất đa dạng của công việc, dẫn đến mức lương cũng cạnh tranh và khó đạt được mong muốn nếu như bạn không thực sự giỏi và không có giá trị.
Trên đây là những vấn đề xoay quanh lĩnh vực “Tài chính ngân hàng”, các bạn THPT cần nắm rõ những vấn đề này trước khi lựa chọn ngành học, xem thử bản thân có đủ năng lực và tính cách để theo đuổi con đường này lâu dài không. Chúc các bạn lựa chọn được ngành học phù hợp với mình.