Một ý tưởng viết content tuyệt vời là trọng tâm của bất kỳ chiến dịch hoặc dự án content nào. Bạn có càng nhiều ý tưởng hay ho thì bạn sẽ càng có thể sáng tạo ra những slogan hoặc content viral độc đáo khiến người đọc lan truyền nó không ngừng.
- Tạo nội dung (content) đáp ứng nhu cầu của khán giả
- Ý tưởng viết content đến từ đâu
- Nghiên cứu cạnh tranh
- Đối thủ cạnh tranh đang tạo ra những loại nội dung nào?
- Nội dung nào hoạt động tốt nhất đối với các đối thủ cạnh tranh?
- Chủ đề thịnh hành & tin tức
- Cảm hứng cho các ngành công nghiệp nhàm chán/khó khăn
- 3 lời khuyên về ý tưởng nội dung cho người làm SEO
- Tìm khoảng trống nội dung trên thị trường
- Sắp xếp lại từ khóa cho nội dung hiện có
- Tìm câu hỏi về thương hiệu của bạn
- Có cách nào để giúp việc lên ý tưởng nội dung đơn giản hơn không?
Đừng bao giờ dành thời gian và năng lượng cho một ý tưởng tồi vì nó là một sự lãng phí tài nguyên và có khả năng khiến khán giả quay lưng với bạn. Thậm chí, nếu sếp bạn nhận thấy bạn đã bỏ ra quá nhiều thời gian, công sức mà vẫn thất bại trong việc đưa ra ý tưởng viết content tuyệt vời, bạn có thể bị mất uy tín, quyền tự chủ trong công việc, và trong trường hợp xấu nhất là mất luôn công việc của bạn.
Chỉ nghe về việc phải đưa ra ý tưởng viết content thì có vẻ hơi khó khăn, nhưng thực tế thì việc tìm ra ý tưởng phù hợp không quá khó đến vậy. Và một khi bạn đã có được một ý tưởng thực sự tuyệt vời, nó có thể giúp gia tăng lưu lượng truy cập cho website (traffic), sự chuyển đổi (conversion) và thậm chí còn nhận được sự yêu thích của đông đảo công chúng.
Tạo nội dung (content) đáp ứng nhu cầu của khán giả
Trước khi bắt đầu lên ý tưởng viết content, chúng ta cần tìm hiểu khán giả của mình và nhu cầu của họ. Đây là điều rất quan trọng mà bất kỳ ai muốn lên ý tưởng viết content không được bỏ qua, bởi vì content phải xoay quanh khán giả mục tiêu của bạn và nội dung này phải cung cấp cho họ những thông tin hữu ích và phù hợp với nhu cầu của họ.
Có rất nhiều cách để hiểu rõ khán giả của bạn, chẳng hạn như ghé thăm các cửa hàng truyền thống của thương hiệu của bạn, nói chuyện với đội chăm sóc khách hàng/tư vấn dịch vụ, lên các diễn đàn để xem họ đang hỏi gì, thực hiện bảng khảo sát giấy, khảo sát online, phỏng vấn sâu, … Cụ thể các câu hỏi bạn cần đặt ra như sau:
- Những câu hỏi phổ biến mà khán giả của tôi hay hỏi là gì?
- Họ đang tìm hiểu thông tin về những chủ đề nào?
- Họ không hiểu vấn đề gì?
- Khách hàng mục tiêu của bạn sử dụng những tiêu chí đánh giá nào trước khi đưa ra quyết định?
- Sở thích của họ là gì?
Hãy suy nghĩ về những khái niệm này và bắt đầu đồng cảm với khách hàng của bạn trước khi nghĩ đến ý tưởng content. Ý tưởng chỉ hoạt động tốt nhất khi những ý tưởng đó đến từ việc hiểu sâu sắc khán giả của bạn, hay có thể nói là bạn tưởng tượng bạn đang là khách hàng để suy nghĩ dưới góc độ của họ. Lợi ích của việc đặt mình vào vị trí của khách hàng không chỉ giúp cho trải nghiệm của người dùng tốt hơn mà còn giúp bạn tối ưu được nội dung hiển thị trên trang web.
Nếu bạn đang tạo nội dung gây ảnh hưởng lớn đến khách hàng của mình, hãy xem các tín hiệu phản hồi của họ như tỷ lệ thoát trang (bounce rate) thấp, CTR cao, … Nếu khán giả thích nội dung của bạn, thì Google cũng sẽ như vậy, vì Google muốn tối ưu trải nghiệm của người dùng khi xài Google của họ mà.
Ý tưởng viết content đến từ đâu
Ý tưởng có đầy ở xung quanh chúng ta. Ý tưởng không phải thứ gì đó xa xôi đâu. Vì thế chúng ta cần tập trung nhìn xung quanh để tìm thấy chúng, hoặc chỉ đơn giản là lùi lại một chút, nhìn tổng thể cuộc sống dưới một góc nhìn khác để phân tích, kiểu gì bạn cũng sẽ tìm ra ý tưởng tốt nhất cho mình.
Động não
Mọi người đều có khả năng động não, nhưng ít người làm tốt được điều đó. Để đạt được thành công và tránh suy nghĩ theo nhóm, hãy làm theo các hướng dẫn sau và nhớ rằng không gian động não là thiêng liêng. Điều đó có nghĩa là cho dù bạn đang họp trong phòng hay xây dựng một bảng chia sẻ trên Pinterest, tất cả các ý tưởng đều là ý tưởng tốt (ít nhất là ở thời điểm hiện tại).
Mẹo để có một cuộc họp động não hiệu quả
Khơi nguồn sáng tạo: Nếu nhóm của bạn yên lặng bất thường, hãy thử trở thành người phá vỡ sự im lặng đó để đưa họ vào trạng thái động não tốt hơn.
Luôn cởi mở với mọi quan điểm: Bởi vì tất cả các ý tưởng đều là ý tưởng tốt ở giai đoạn này, điều thực sự quan trọng đối với người tổ chức cuộc họp là hãy luôn “say yes” với mọi ý tưởng chứ không phải là “say no”. Hãy tìm ra sự khả thi của từng ý tưởng và tìm cách kết hợp chúng.
Tìm sự đột phá: Hãy tìm kiếm những ý tưởng thu hút sự chú ý, thu hút sự quan tâm, khơi dậy ham muốn và truyền cảm hứng cho hành động. Việc tập họp cả team lại để tập trung vào các ý tưởng này có thể giúp cả nhóm trở nên sôi nổi và hoạt động hiệu quả hơn.
Ghi lại mọi thứ: Ghi lại tất cả các ý tưởng trên bảng trắng hoặc bất kỳ nơi nào mà team bạn có thể nhìn thấy chúng. Hãy luôn luôn ghi nhớ tầm quan trọng của việc ghi lại những ý tưởng này và quá trình bạn tạo ra nó để đề phòng bạn nảy ra thêm ý tưởng thứ hai từ những ý tưởng đầu tiên này (hoặc để ghi nhớ điều cốt lõi của ý tưởng đầu tiên).
Nghiên cứu cạnh tranh
Bạn cần lưu ý sự khác biệt giữa đối thủ cạnh tranh kinh doanh trực tiếp và đối thủ cạnh tranh nội dung. Khi thực hiện nghiên cứu cạnh tranh, bạn có thể sẽ đánh giá các đối thủ kinh doanh trực tiếp của mình để hiểu chiến lược của họ và các chủ đề mà họ đang thống trị, nhưng bạn cũng cần phải xem xét các đối thủ cạnh tranh về nội dung.
Chúng có thể bao gồm các trang web đang xếp thứ hạng cao trên Google về các chủ đề và từ khóa mà bạn đang nhắm mục tiêu (target), nhưng không bán các sản phẩm hoặc dịch vụ giống như bạn. Các ấn phẩm trong ngành, trang web giáo dục và cửa hàng tin tức đều có thể là đối thủ cạnh tranh về nội dung. Đây là những điều quan trọng cần xem xét bởi vì mặc dù họ không cạnh tranh với bạn để bán hàng (giống như các đối thủ cạnh tranh trực tiếp), nhưng họ đang cạnh tranh với bạn về khả năng hiển thị trên Google và có thể khiến đối tượng mục tiêu rời khỏi trang web của bạn.
Bạn có thể đã đọc content của đối thủ cạnh tranh của mình và đánh giá chủ quan bằng mắt về việc những content họ đang làm có hấp dẫn khách hàng hay không, nhưng có những cách khác để đo lường chính xác và hiệu quả hơn. Dưới đây là hướng dẫn phân tích đối thủ cạnh tranh giúp bạn nghiên cứu đối thủ cạnh tranh của mình. Biểu đồ quy trình làm việc này có thể cung cấp cho bạn một vài ý tưởng về những điều cần xem xét khi bạn bắt đầu phân tích. Bạn sẽ cần biết một số điều sau đây trong nghiên cứu của mình:
- Loại nội dung mà các thương hiệu hàng đầu đang viết?
- Làm cách nào để lấy liên kết (link)?
- Những từ khóa nào đang được nhiều người tìm kiếm nhất?
- Ai theo dõi ai và họ chia sẻ những gì?
Đối thủ cạnh tranh đang tạo ra những loại nội dung nào?
Một cách tốt để bắt đầu nghiên cứu này là thực hiện Phân tích khoảng cách cạnh tranh giữa bạn và đối thủ, nhưng bạn cũng cần theo dõi liên tục những gì đối thủ cạnh tranh đang tạo ra. Các công cụ như Google Alerts giúp bạn tìm thấy được các thương hiệu đang được nhắc đến nhiều nhất trên web, từ đó giúp bạn biết loại nội dung nào của đối thủ đang thu hút sự chú ý của người dùng.
Bạn cũng có thể đăng ký nhận bản tin của họ qua email để xem họ đang quảng cáo nội dung mới nào. Mẹo nhỏ: Bạn hãy xài email cá nhân của mình thay vì email của công ty để đăng ký để tránh khiến cho họ biết bạn đang theo dõi họ. Hãy nhớ rằng, nội dung không chỉ đơn giản là những gì họ viết trên blog, mà còn là trên các trang đích, poster, brochure và thậm chí cả mô tả sản phẩm của họ để xem họ đang làm tốt và không tốt những gì, bởi vì bạn sẽ không bao giờ biết khi nào một ý tưởng sẽ thành công.
Nội dung nào hoạt động tốt nhất đối với các đối thủ cạnh tranh?
Hãy nghĩ về hiệu quả không chỉ về khả năng hiển thị của trang web trên top Google mà còn về các link (liên kết) và mức độ tương tác xã hội. Hãy sử dụng Link Explorer để xem trang nào trên các website của đối thủ cạnh tranh của bạn đang nhận được nhiều liên kết nhất và những liên kết đó đến từ ai. Thử xài Buzzsumo để tìm hiểu nội dung nào đang nhận được lượt chia sẻ trên mạng xã hội cao nhất và ai đang chia sẻ nó.
Ngoài ra, bạn còn có thể sử dụng công cụ như Followerwonk để phân tích tweet (thuật ngữ dùng trong Twitter, giống như Trang cá nhân là thuật ngữ dùng cho Facebook vậy) của những người theo dõi đối thủ cạnh tranh của bạn để xem khán giả của họ tweet lại những gì và sở thích của họ là gì, cũng như những người mà họ hay nhắc đến nhất.
Hãy nhớ rằng: Bạn không chỉ xem xét các đối thủ kinh doanh trực tiếp của bạn, mà còn phải xem xét bất kỳ trang web nào bạn đang cạnh tranh trên SERP (Search Engine Results Page – Trang kết quả của công cụ tìm kiếm).
Việc nghiên cứu các loại content đứng top đầu từ cả đối thủ cạnh tranh trực tiếp và đối thủ cạnh tranh nội dung có thể giúp bạn biết chi tiết những chủ đề và loại content nào có thể tạo ra ảnh hưởng tốt với khán giả của bạn dựa trên số liệu thành công trong quá khứ. Không ai bắt bạn phải làm đúng y chang những gì họ đang làm tốt mà bạn có thể sử dụng những dữ liệu này làm nguồn cảm hứng để lên ý tưởng. Bạn có thể cân nhắc sử dụng một vài format mẫu mà họ đang làm tốt hoặc nghiên cứu một vài chủ đề được chia sẻ rộng rãi dưới nhiều hình thức khác nhau.
Chủ đề thịnh hành & tin tức
Ý tưởng nội dung không chỉ nảy sinh sau khi nhìn thấy các nội dung đã được xuất bản. Bạn có thể chứng minh với sếp rằng bạn là một người am hiểu về nội dung bằng cách cập nhật các xu hướng hot trong ngành của bạn và cách bạn phản ứng với các tin tức trong ngành.
Một trong những công cụ tốt nhất để trợ giúp việc này là Google Trends. Chỉ cần nhập tên các chủ đề và keyword liên quan đến doanh nghiệp của bạn và xem công cụ này so sánh mức độ phổ biến như thế nào. Kéo xuống bên dưới biểu đồ đầu tiên để tìm các chủ đề và keyword có liên quan đang tăng vọt về mức độ phổ biến, sau đó cân nhắc đưa chúng vào chiến lược nội dung của bạn.
Để luôn theo dõi sát sao các tin tức và nội dung có liên quan trong ngành của bạn, hãy theo dõi các chủ đề quan trọng đối với doanh nghiệp của bạn thông qua các công cụ như Google Alerts và Buzzsumo. Bằng cách cài đặt nhận thông báo từ các công cụ này, bạn có thể nhận email ngay khi có tin tức.
Một cách khác để theo dõi tin tức hoặc xu hướng là thông qua lắng nghe mạng xã hội. Có bất kỳ hashtag ngành nào hoặc tài khoản mạng xã hội nào luôn cung cấp tin tức mới nhất không? Bạn có thể theo dõi trực tiếp nội dung từ những người có ảnh hưởng này bằng cách tạo danh sách trên Twitter và xem xét danh sách tweet đã lọc đó để nắm bắt thông tin quan trọng.
Tại sao điều này lại quan trọng đến vậy? Một là, việc nắm bắt và viết về các bài trend (xu hướng) trong lĩnh vực của bạn chứng tỏ rằng bạn là một chuyên gia trong ngành của mình. Thứ hai, việc bám sát các chủ đề nóng sẽ tạo cơ hội cho bạn thu thập tin tức mới nhất.
Tuy nhiên, việc bắt trend (newsjacking) không phải là một chiến thuật hay. Đó chỉ là một cách để nhanh chóng tận dụng các tin tức nóng hổi. Giả sử bạn làm việc cho công ty chuyên về hệ thống ống nước và trên mạng đang tràn lan câu chuyện về một con tàu du lịch bị mất điện trên biển và tất cả hệ thống đều bị hỏng, bao gồm cả thiết bị phòng tắm.
Newsjacking là cách mà dân content phản ứng nhanh chóng để tạo ra nội dung có liên quan đến câu chuyện đang hot. Bằng cách đó, nhóm content của công ty hệ thống ống nước có thể viết một đoạn về nguyên nhân của thảm họa và cách ngăn chặn loại sự cố này trong tương lai.
Chìa khóa để có thể bắt trend thành công, ngoài việc theo dõi chặt chẽ tin tức và đảm bảo các chủ đề từ khóa mục tiêu của bạn có liên quan, còn phải có một khuôn khổ (framework) cho nhóm của bạn để đưa ra nội dung chất lượng càng nhanh càng tốt. Nếu bạn mất vài ngày để phản ứng với câu chuyện đang hot, hãy “say goodbye” với cơ hội thu hút sự chú ý này nhé.
Cảm hứng cho các ngành công nghiệp nhàm chán/khó khăn
Nhiều người coi bất cứ thứ gì bên ngoài lĩnh vực thời trang/giải trí (hay có thể hiểu là bất cứ thứ gì bạn không thể nhắc tên người nổi tiếng vào) là một chủ đề khó viết. Điều đó không đúng. Không có chủ đề nào thực sự khó nếu bạn có thể tìm ra điều khiến bạn hứng thú với nó, bởi vì bạn không phải là ngoại lệ, còn đầy những người ngoài kia rất giống bạn, đều tò mò và yêu thích những thứ giống bạn.
- Làm thế nào để giảm thiểu tác động của đại dịch Covid – 19?
- Công nghệ in 3D hoạt động như thế nào?
- Hành tinh này sẽ tồn tại bao nhiêu năm nữa?
Đây đều là những chủ đề hoàn toàn thú vị và bổ ích nếu dành cho đúng đối tượng.
Nếu bạn cảm thấy mình đã trả lời tất cả các câu hỏi thường gặp, hãy quay lại suy nghĩ những điều khác, tìm kiếm một người bạn và động não xem điều gì làm cho ngành của bạn trở nên thú vị hoặc hấp dẫn đối với bạn và khán giả của bạn. Xem phim họ xem, đọc các nguồn tin tức họ yêu thích và nghe nhạc họ thích. Hãy tìm hiểu về ngành và giữ tâm trí cởi mở đối với các câu hỏi bạn nêu ra bất chợt trong suốt quá trình tìm kiếm ý tưởng, sau đó chuyển việc trả lời những câu hỏi đó thành nhóm ý tưởng nội dung tiếp theo của bạn.
3 lời khuyên về ý tưởng nội dung cho người làm SEO
Là một SEOer, bạn nên suy nghĩ về cách doanh nghiệp của bạn có thể tạo ra nội dung có giá trị và hữu ích cho khách hàng của bạn. Cùng theo dõi cách sử dụng các công cụ của Moz để khám phá những ý tưởng nội dung hiệu quả nhé.
Các nhà tiếp thị nội dung và SEOer luôn phải sống giữa những câu hỏi mà khán giả của họ hay hỏi. Động não là một trong những khía cạnh phức tạp nhất của tiếp thị nội dung vì bạn phải sử dụng các công cụ và phương pháp phù hợp để vừa phát hiện ra những chỗ trống mà chưa ai nhắc đến về mặt nội dung trên thị trường, vừa tạo ra chiến lược sản xuất nội dung phù hợp với nhu cầu của khách hàng và các giải pháp mà doanh nghiệp của bạn cung cấp.
Bạn có thể sử dụng các công cụ khác nhau cho ý tưởng tiếp thị nội dung để thiết kế ngược lại dành cho đối thủ cạnh tranh, tìm khoảng trống nội dung và khám phá các câu hỏi mà mọi người hỏi về thương hiệu của bạn. Giống như kinh tế học cổ điển, sự sáng tạo cần phải cân bằng cung và cầu trên thị trường nếu bạn muốn tạo ra nội dung tốt nhất và có được kết quả. Hãy cùng đi sâu vào ba cách giúp tiết kiệm thời gian nghiên cứu ý tưởng cho nội dung mới và tìm kiếm các cách để tối ưu hóa nội dung hiện có.
Tìm khoảng trống nội dung trên thị trường
Chiến lược lý tưởng đầu tiên nên sử dụng khi xây dựng kế hoạch tiếp thị nội dung là tìm ra những khoảng trống nội dung còn thiếu trên thị trường để có thể tạo ra nội dung đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Cách tiếp cận này được gọi là phân cụm nội dung. Nó tập trung vào việc xây dựng nội dung xoay quanh các chủ đề quan trọng đối với doanh nghiệp và đối tượng đang tìm kiếm thông tin. Điều quan trọng cần nhớ là bạn cần tìm ra những vấn đề thực sự từ những khách hàng thực sự. Một trong những công cụ nghiên cứu Ranking Keywords của Moz là cách để khám phá các nhu cầu, câu hỏi và khoảng trống nội dung tiềm ẩn trên thị trường.
Lấy ví dụ: bạn muốn xây dựng một cụm chủ đề về “ý tưởng content marketing” và muốn đọc các bài viết có nội dung tương tự, bạn kích hoạt công cụ Ranking Keywords và nhập URL bài viết vào bên trên, cùng với hai URL của đối thủ cạnh tranh vào bên dưới. Khi so sánh các trang web, bạn sẽ thấy biểu đồ Venn hiển thị các từ khóa duy nhất trong các URL:
Bạn có thể sử dụng thông tin này theo một số cách:
- Tối ưu hóa nội dung: bạn có thể tối ưu hóa các bài viết hoặc bài đăng khác dựa trên cụm chủ đề mà bạn lựa chọn và mức độ lan tỏa và bao phủ tổng thể của các từ khóa so với đối thủ cạnh tranh.
- Đối thủ cạnh tranh đang trùng lặp những từ khóa gì: bạn có thể xem xét sự trùng lặp giữa các đối thủ cạnh tranh mà ở đó không có từ khóa (keyword). Thông tin này cho thấy những từ khóa mà các bài báo của bạn còn thiếu, nhưng nếu bạn muốn mở rộng phạm vi bao phủ thị trường và cùng sử dụng những từ khóa đó của đối thủ cạnh tranh thì sự cạnh tranh giữa bạn và các đối thủ sẽ bắt đầu.
- Từ khóa riêng biệt (không trùng lặp) của từng đối thủ: Các khu vực rìa không có sự chồng chéo nhau của mỗi đối thủ cạnh tranh là một nơi tuyệt vời để hiểu sức mạnh sáng tạo nội dung của họ trên thị trường. Bạn có thể kiểm tra những ý tưởng này để tìm ra những ý tưởng nội dung và ý tưởng vàng có ít cạnh tranh và có tác động đáng kể đến sự thành công trong nội dung của bạn.
Như bạn có thể thấy, hình ảnh hiển thị các từ khóa chồng chéo trong sơ đồ là một nơi tuyệt vời để bắt đầu quá trình hình thành ý tưởng. Mặc dù nó không phải là giải pháp duy nhất cho content marketing, nhưng nó là một công cụ mạnh mẽ để có được cái nhìn toàn cảnh từ khóa xung quanh một chủ đề. Thông tin này có thể giúp ta tối ưu hóa nội dung hoặc sản xuất nội dung khi cần thiết dựa trên những gợi ý nội dung từ đối thủ cạnh tranh trong cùng một chủ đề.
Sắp xếp lại từ khóa cho nội dung hiện có
Khi mọi người nghĩ đến content marketing, hầu hết họ thường nghĩ đến việc tạo các bài đăng blog, đồ họa thông tin (infographic) và ebook. Nhưng thực tế là những kết quả tốt nhất lại đến từ việc tối ưu hóa nội dung hiện có.
Tính năng table trong phần Ranking Keywords của Moz Pro là cách tìm kiếm cơ hội một cách nhanh chóng. Ví dụ, nếu ta tiếp tục với ví dụ trên và tìm content cho chủ đề “các mẹo tìm ý tưởng content marketing”, ta sẽ thấy Moz Pro trả lại các dữ liệu có giá trị từ các đối thủ cạnh tranh:
Bạn lọc dữ liệu ngay trong giao diện Moz. Mục tiêu ở đây là tìm ý tưởng nội dung mà các đối thủ cạnh tranh đang xếp hạng cao hơn Moz với mục đích tối ưu hóa những bài viết bạn đã có. Dưới đây là một số mẹo để làm việc này hiệu quả nhất có thể:
- Nhấp vào tính năng sắp xếp phía trên mỗi đối thủ cạnh tranh để tìm ý tưởng nâng thứ hạng nội dung của bạn.
- Lọc cột “US Rank” của đối thủ cạnh tranh từ nhỏ nhất đến lớn nhất.
- Sau khi lọc xong, hãy xem các từ khóa mà đối thủ cạnh tranh xếp hạng cao hơn trang web của bạn.
- Ưu tiên lượng tìm kiếm cao với điểm độ khó tương đối thấp. Các chủ đề nội dung có độ khó cao hơn có thể cần đến phần mềm digital marketing hub.
Bạn có thể viết ra những ý tưởng này và sắp xếp chúng trong một bảng tính (có thể dùng Google Sheets) để xác định xem có nên tạo nội dung mới dựa trên lượng tìm kiếm và độ khó hay mở rộng nội dung hiện có để cải thiện phạm vi thông tin cung cấp cho độc giả của bạn.
Tìm câu hỏi về thương hiệu của bạn
Trọng tâm của tiếp thị nội dung (content marketing) là quá trình khám phá những gì mọi người đang thắc mắc trên các kênh online. Nếu bạn có một thương hiệu lâu đời như Moz, bạn có thể dễ dàng bỏ qua những điều cơ bản về những gì mọi người hỏi về thương hiệu của bạn.
Giả sử rằng bạn chỉ có một thương hiệu duy nhất như Moz, bạn có thể nhanh chóng tìm thấy các câu hỏi mà mọi người đặt ra với tính năng Keyword Suggestion (Gợi ý từ khóa) của Moz Pro. Tuy nhiên, nếu tên thương hiệu của bạn là “Tool” – cái tên cực kỳ thông dụng và phổ biến mà ai cũng có thể hỏi – thì bạn rất khó tìm những câu thắc mắc về thương hiệu của mình.
Tất cả điều này nói rằng bạn sẽ cần phải cân bằng giữa kết quả tìm được với sự ít phổ biến trong tên thương hiệu của bạn. Các câu hỏi quá chung chung có thể không tạo ra kết quả hữu ích.
Phương pháp tiếp cận ý tưởng content này nhằm mục đích xem mọi người hỏi gì về Moz và liệu trang Moz có trả lời đầy đủ những câu hỏi đó hay không. Trong ví dụ trên, nếu bạn tìm thấy một số câu hỏi hay và sâu sắc thì có thể đưa chúng vào trang FAQ (Câu hỏi thường gặp) hoặc thêm nó vào các trang khác nhau để nâng cao trải nghiệm người dùng nói chung.
Mặc dù việc tìm kiếm các câu hỏi về thương hiệu của bạn sẽ không khiến bạn có được cả một kho ý tưởng nội dung độc đáo, chúng vẫn cần thiết để giữ cho thương hiệu của bạn mạnh mẽ hơn trên thị trường và đảm bảo rằng bạn đang kiểm soát tốt các câu chuyện xung quanh thương hiệu của mình.
Cho bạn một ý tưởng nữa nè: Hãy sử dụng một vài câu hỏi này để tạo nên sơ đồ FAQ và tạo ra các ý tưởng nội dung tương tác dành riêng cho những người đang tìm kiếm về tên thương hiệu của bạn.
Có cách nào để giúp việc lên ý tưởng nội dung đơn giản hơn không?
Không có cách nào khác để giải quyết vấn đề này đâu, bạn phải thừa nhận rằng việc lên ý tưởng nội dung rất khó. Nó có thể còn khó hơn nếu bạn đang làm nội dung phục vụ khách hàng trong nhiều ngành khác nhau, vì các nghiên cứu về ý tưởng mà bạn khó khăn lắm mới tạo ra được trong một ngành này lại không thể áp dụng cho các ngành khác. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể làm việc này hiệu quả hơn và thậm chí thú vị hơn bằng cách sử dụng các công cụ Moz Pro.
Bạn có thể sử dụng các công cụ khác nhau để tìm ra các khoảng trống nội dung, thiết kế ngược lại các chiến lược cho các đối thủ cạnh tranh và tìm các câu hỏi có đề cập đến thương hiệu mà khách hàng của bạn có thể sử dụng để viết nội dung. Tất cả các chiến thuật này có thể giúp gia tăng đáng kể lưu lượng truy cập, các lượt nhấp chuột và chuyển đổi nếu đạt đủ điều kiện theo thời gian.