Làm chủ đồng tiền chính là điều mà mọi người luôn muốn học hỏi, nhưng làm được điều này lại không hề đơn giản. Vì thế mình viết bài này để giúp cho các bạn có cái nhìn rõ hơn về cách làm chủ đồng tiền cũng như những thói quen và quan niệm sai lầm mà mọi người luôn cho là đúng suốt bao nhiêu năm nay.
Quan niệm tiêu xài tiền của người Việt
Người Việt mình kiếm tiền rất giỏi, bao nhiêu cách để kiếm tiền cũng có thể nghĩ ra. Nhưng người Việt mình lại rất tiếc tiền, không dám chi tiêu gì nhiều mà đa phần là để dành cho con cái, cho tuổi già nên dù có nhiều thứ muốn mua nhưng cũng ráng kiềm chế lại. Mà tiếc tiền quá lại không nên vì có những thứ rất cần mua.
Kiếm được thì tiêu được
Có lẽ nhiều người đã quên mất bản chất của việc đi làm và kiếm tiền. Nghĩ lại hồi xa xưa, thời hoang sơ nguyên thủy, con người lao động chỉ để kiếm thức ăn và nước uống, sau đó tích lũy được nhiều đồ ăn nên để dành lại cho những ngày tiếp theo.
Tiếp đó, đồng tiền trở thành vật trung gian để trao đổi hàng hóa và con người bắt đầu phải kiếm tiền để có miếng ăn. Cho đến xã hội ngày hôm nay, chúng ta kiếm tiền không chỉ để ăn uống mà còn để mua sắm vật dụng cần thiết và để tận hưởng cuộc sống. Vậy cớ gì bạn chỉ biết kiếm tiền mà không biết tiêu?
Đành rằng bạn phải để dành tiền cho sau này, phòng hờ khi xảy ra chuyện bất trắc và có tiền dành dụm thì cũng yên tâm hơn, nhưng không vì thế mà bạn lại có thể keo kiệt với bản thân. Vì dù mục đích kiếm tiền là để tiêu xài hay để dành thì chung quy lại cũng là để phục vụ bản thân và gia đình của mình. Vậy thì, đồng tiền chỉ là công cụ, không phải ông chủ của con người.
Trước đây, mình chỉ biết chăm chăm kiếm tiền, không hề tiêu xài gì nhiều, thậm chí ép bản thân từ bỏ 1 số thú vui để không phải tốn tiền, nhưng lúc đó mình không hề vui vẻ, kiếm tiền như 1 cực hình, 1 nỗ lực vô tận nhưng không biết khi nào được đền đáp. Để rồi khi mình chợt nghĩ đến việc kiếm tiền cuối cùng chỉ để phục vụ con người, chỉ để chúng ta có cuộc sống tốt đẹp hơn thì mình đã bắt đầu chịu tiêu xài, chịu bung tiền ra cho các sở thích, thú vui cá nhân, tất nhiên vẫn sẽ để dành nhưng mà không còn quá hà khắc như trước.
Không làm nô lệ của đồng tiền
Có nhiều người tiền dù kiếm nhiều đến đâu vẫn không thấy đủ, vẫn luôn than nghèo kể khổ và buồn rầu vì tiền không đủ. Dù tiền đã dư dả nhưng vẫn cố gắng bán mạng để kiếm thêm, để rồi sau đó bị mắc các bệnh không thể chữa khỏi hoặc khó chữa khỏi như ung thư, mờ mắt, tiểu đường, …
Đây là minh chứng cho việc dù giàu cũng chưa chắc hạnh phúc, vì họ không biết điểm dừng. Nếu chúng ta biết đủ để tập trung chăm lo cho sức khỏe, hạnh phúc gia đình, … thì tiền chúng ta vẫn sẽ kiếm được thêm nhưng không cần phải bán mạng đến mức đánh đổi thứ khác như vậy.
Lúc còn đi học, có lẽ sẽ có nhiều bạn nhịn ăn sáng, ăn trưa để lấy tiền ba mẹ cho để mua đồ cho bản thân. Mà như vậy là không được. Mấy bạn không ý thức được rằng sức khỏe bản thân là quý giá nhất, có lẽ do các bạn còn trẻ, sức khỏe còn dồi dào nên chẳng nghĩ đến hậu quả của việc nhịn ăn. Thường thì mọi người chỉ biết sống khoa học khi nào đã bị bệnh thôi.
Đừng bao giờ làm nô lệ của đồng tiền, chỉ nên đặt ra 1 mức thu nhập bạn cần hàng tháng, khi đạt được rồi thì nên chuyển sang tập trung nuôi dưỡng 3 thứ còn lại là tình yêu, hạnh phúc và sức khỏe.