Có người học giỏi, đọc nhiều, mọi thứ có được do học thì họ có Book Smarts (sự giỏi giang sách vở). Còn có người thì không thích học chữ nghĩa, ngại đọc sách, ra đời va chạm sớm nên họ có Street Smarts (sự thông minh lanh lợi ngoài đường). Và cũng có người có cả 2, vừa giỏi giang chữ nghĩa, vừa tinh khôn ở chợ đời, và đó là tinh hoa của xã hội.
- Gần 20 năm trước, có lần mình đi Thượng Hải công tác, đi hãng Shanghai Airlines (FM), máy bay xuống phi trường Pudong lúc 1h sáng. Các phương tiện công cộng đều đã nghỉ, hành khách chỉ có thể đi taxi về trung tâm, cách 40km. Taxi ở TQ phần lớn là xe cũ, có khung sắt để bảo vệ tài xế. Mình ngồi phía sau, đưa miếng giấy có địa chỉ khách sạn cho anh tài xế, anh xác nhận là biết chỗ này, gần nhà anh. Mình tiết lộ đây là lần đầu đến Thượng Hải để mua máy móc và đang là trưởng phòng của 1 tập đoàn lớn. Trò chuyện 1 lúc thì mệt quá, ngủ gục, khi thức dậy thì thấy xe chạy vào một con đường rất vắng, không có đèn đường, chỉ thấy container cao chất ngất 2 bên.
Mình hỏi ủa có đi đúng đường không sư phụ (trong tiếng Hoa, người ta thường gọi tài xế là sư phụ), thì “sư phụ” đáp là yên tâm, cỡ 10km nữa là tới, tao đi đường tắt. Nhìn lên đồng hồ tính cước thì thấy rất cao, so với sự tìm hiểu với khách sạn thì đã gấp đôi rồi, đầu tiên nghĩ bụng chắc anh tài xế này chở đi lòng vòng để kiếm thêm. Nhưng ngồi nghĩ lại, có thể chở mình vô bãi đất trống nào đó thủ tiêu hoặc có lần, anh Q bạn mình, đi Ấn Độ, đi taxi nửa chừng ở 1 làng hoang vắng thì mắc tiểu, tài xế mở cửa cho ra vệ đường giải quyết nỗi buồn thì tài xế chốt cửa, vù xe đi mất, anh Q mất 2 cái vali đồ, kể cả cái túi xách nhỏ có hộ chiếu và cả điện thoại trên xe.
Cảm giác thấy lo, nhưng nếu nghĩ xấu về họ thì cũng không nên, chắc vẫn là người tốt. Nhưng rồi nghĩ lại, một thành phố gần ba chục triệu dân, đất chật người đông thì chuyện gì cũng có thể xảy ra. Mình ra đời làm thêm từ sớm, có sự lanh lợi ngoài đường (street smarts), mắc mớ gì phải c.h.ết ở đây. Oh no! Nghĩ xong, bèn móc điện thoại ra, giả vờ gọi cho người bạn, bảo là ngồi đợi tao nha, tài xế nói sắp tới rồi, tao đi xe taxi, biển số taxi là,….(số dán ngược lên kính lái bên phải), tao đang đi ở khu container không hà, mày ráng ngồi đợi tao ở hotel nha”. Đang nói thì thấy anh tài xế quay ngược xe lại, nói chạy nhầm đường, rồi chở mình về đúng khách sạn.
- Có người học giỏi, đọc nhiều, mọi thứ có được do học thì họ có Book Smarts (sự giỏi giang sách vở). Còn có người thì không thích học chữ nghĩa, ngại đọc sách, ra đời va chạm sớm nên họ có Street Smarts (sự thông minh lanh lợi ngoài đường). Và cũng có người có cả 2, vừa giỏi giang chữ nghĩa, vừa tinh khôn ở chợ đời, và đó là tinh hoa của xã hội.
Mình gặp anh K ở Ba Lan, một doanh nhân lớn. Anh nói, thế hệ của anh là những người rất đặc biệt, vô tiền khoáng hậu (trước đó chưa có và sau này cũng có thể không). Đó là những người học rất giỏi thập niên 80, xong cấp 3 với những thành tích học thuật vượt trội, thì được cử sang Liên Xô và Đông u du học. Do có đầu óc tốt, nên chỉ cần 1 năm học tiếng ở ĐH ngoại ngữ, họ sang bên kia và hoà nhập ngay với sinh viên các nước bản xứ, dù là tiếng lạ, tiếng khó (tiếng Hung, tiếng Tiệp, tiếng Ba Lan,…).
Thế rồi biến động lịch sử, các nước bạn chuyển đổi mô hình kinh tế xã hội, những du học sinh này buộc phải vừa học vừa làm, phần lớn là buôn bán quần áo giày dép, đồ điện tử gia dụng, đánh hàng từ TQ sang. Người này bày người kia, và là trí thức nên họ chia địa bàn với nhau để tránh cạnh tranh, và trong lúc làm, vẫn tranh thủ học để hoàn thành những bằng cấp phó tiến sĩ, tiến sĩ, cử nhân, kỹ sư….chứ ít ai bỏ học. Chính sự sắp xếp thời gian tối ưu để vừa làm vừa học, và đặc biệt là những kỹ năng Street Smarts có được do va chạm với xã hội, đã giúp các doanh nhân ở đây sau này rất thành công, dù họ ở lại hay về nước.
Một người có street smarts, họ có thể xây dựng cơ đồ từ 0 thành 1. Ra đường tay trắng, họ vẫn kiếm được miếng ăn, và có chút dư dả. Nhưng nếu một người chỉ có street smarts mà không có book smarts, thì tầm khó mà lên cao. Khi có chút đỉnh thì sẽ dừng lại để bảo toàn số vốn vì sợ, không dám bung lớn, không dám hùn hạp làm ăn. Tầm của họ và bạn bè thấp nên hùn tiền nhau sẽ cãi rồi tan rã. Đại đa số tiểu thương ở chợ hay trên phố, họ có street smarts, kiếm được tiền nhưng không lớn được. Và họ cũng không muốn lớn. Vì sợ mất. Có tiền, nhưng không sang vì thiếu chiều sâu của trí tuệ.
Còn ngược lại, có book smarts không thôi, như đại đa số các bạn trẻ đang vô các trường kinh tế để học với hy vọng trở thành giám đốc, cứ thấy cái gì hay là xách giỏ tới học, sách nào hay là vội mang về đọc, thì chưa ai có thể trở thành chủ doanh nghiệp chỉ từ giảng đường hay sách vở. Họ có thể vào các tập đoàn để làm, vì trong đó có những đề bài có sẵn để họ giải, vì năng lực giải đề của họ rất giỏi.
Tức vào chỗ từ 1, họ có thể làm thành 2, 3….Còn kêu họ ra ngoài đời làm, bắt đầu chẻ củi rang đậu để xây dựng cơ đồ chẳng hạn, thì là điều không thể, vì 15 phút là mỏi lưng. Và thấy không việc gì phải hạ mình làm như thế. Cũng không thể ôm thùng hàng đứng đường rao bán, vì sĩ diện. Họ chỉ có thể làm giảng dạy, viết lách, nghiên cứu, hoặc trong kinh tế, chỉ có thể mở được các doanh nghiệp kiểu tư vấn đầu tư, trade chứng khoán, trade tiền ảo….Họ cũng có DN, nhưng thực tế chỉ là các văn phòng công ty tư vấn đầu tư trên mấy toà nhà ở mấy thành phố lớn, nay mở mai đóng vì đâu có nhà xưởng máy móc trại thực nghiệm hay phòng thí nghiệm gì. Có người đọc nhiều quá, học nhiều quá, biết nhiều quá, thì nhu cầu giải toả xuất hiện. Họ viết cả ngày lẫn đêm, rồi đi diễn thuyết khắp, 1 tay cầm micro và tay kia chém gió phần phật vào không khí. Nhưng vừa ra đường đón xe đi giảng, có thể bị 1 anh xe ôm lừa và ôm cột điện khóc sưng mắt.
- Nhiều người học cực siêu, tốt nghiệp các trường danh tiếng trong và ngoài nước, nhưng sau này không thấy có thành tựu gì lớn, vì họ chỉ có kiến thức, không có street smarts để có được chữ dũng, chứ dám (vốn có được qua rất nhiều lần trực diện với sinh-tử, được-mất, vui-buồn, đi-ở, giữ-buông…). Chỉ có những người vừa có đầu óc và kiến thức (book smarts) và vừa thực tế cuộc sống dạy họ (street smarts), cộng thêm sự chịu khó chịu cực, và ý chí kiên định đến tột cùng, thì mới có thành tựu.
Bạn có thể hiểu vì sao, người chiến thắng trong các cuộc thi chữ nghĩa hay phỏng vấn mấy vòng để tuyển dụng, vào thấy họ làm không giỏi như những thành tích của họ trong quá khứ. Các tập đoàn lớn hiện nay đã thay đổi, sau khi qua những vòng thi về book smarts, họ yêu cầu những ứng viên này ôm thùng hàng ra chợ đứng bán, gặp tiểu thương đại lý để hoàn thành các bảng câu hỏi, hoặc cử tới nhà máy đứng làm sản xuất vài tháng, cử đến nơi xa xôi thử lửa vài năm trước khi rút về trụ sở chính và bắt đầu công tác lãnh đạo. Trong quá trình đó, rơi rụng dần người tào lao, chỉ có những người đủ book smarts và street smarts, căng tràn nhiệt huyết của sự dấn thân và năng lực chịu đựng, mới thành hạt nhân lãnh đạo.
Bạn cũng có thể hiểu vì sao, những ông chủ Do Thái hay Hoa Kiều, họ thường bắt con cái họ, cỡ cấp 2 là phải bắt đầu vào lao động với cha mẹ (cha mẹ có nông trại thì vô làm nông, có xưởng vô làm xưởng, có cửa hàng thì ra làm cửa hàng, có gì làm nấy…). Nhưng làm và học đi đôi, ở nhà cũng phải đọc sách, đi hội thảo, tự đào tạo thông kim bác cổ. Còn cũng có những xã hội, cha mẹ ngây ngô dành hết tình thương yêu cho con, chỉ cho con ngồi học và học, chở đi học hết ngoại ngữ tới cờ vua, bơi lội tới đàn ca sáo nhị…, với hy vọng là nó có thể làm cái gì đó lớn lao sau này, nhưng thực tế thì không như kỳ vọng. Tất cả đều như tựa 1 cuốn tiểu thuyết lừng danh, “hãy để ngày ấy lụi tàn”.