Dịch bệnh đang tàn phá kinh tế, xã hội, đa số ngành nghề đều không thoát khỏi guồng quay “máy xay thịt” này. Cho Thuê Phòng/Nhà Trọ – Ngành Kinh Doanh tưởng chừng rất “chắc cú” – cũng đã rung rinh nghiêng ngả. Tuy nhiên, khách quan mà nói, nếu so với các ngành nghề khác như du lịch, dịch vụ, ăn uống, vận tải, thời trang,… thì ngành Nhà Cho Thuê thuộc nhóm vẫn còn “Hạnh phúc” hơn. Nếu các ngành nghề khác gần như “đứt gãy” hẳn dòng tiền, “chết lâm sàng”, “đứt bóng giang hồ”, thì ngành này chỉ chịu thiệt hại bằng cách giảm giá là vẫn có dòng tiền, vì CHỖ Ở vẫn là nhu cầu cơ bản của nhiều đối tượng trên thị trường.
1. Giá thuê phòng trọ, nhà trọ và tỷ lệ lấp đầy đã giảm nhiều so với trước dịch
Trong điều kiện thông thường, hàng năm giá Cho Thuê sẽ tăng 3% – 7% theo trượt giá. Tuy nhiên, 2 năm nay giá không những không thể tăng mà còn buộc phải giảm.
Hiện nay phân khúc phòng/nhà trọ cho thuê giá dưới 4 triệu đồng/tháng vẫn ổn, chỉ cần giảm giá 10% đến 20% là vẫn duy trì được tỷ lệ lấp đầy trên 80% (Mức lấp đầy bình thường của phân khúc này trên 95%). Tuy nhiên, nếu trong 1-2 tháng tới tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát được, thì khả năng phân khúc này giảm đến 30% giá phòng vẫn không đạt nổi tỷ lệ lấp đầy 50%, vì người thuê phòng phân khúc này là sinh viên và người đi làm ở tỉnh ngoài, dịch kéo dài sinh viên sẽ học online không lên thành phố nữa, người đi làm nếu phải nghỉ việc lâu sẽ hết tiền, đành về quê chờ hết dịch lên làm lại.
Phân khúc 5 – 7 triệu đồng/tháng, hiện đã phải giảm giá đến 20 – 30% so với thời điểm trước dịch để duy trì tỷ lệ lấp đầy đủ cho các chi phí cơ bản, và tỷ lệ lấp đầy trung bình chỉ còn trên 60% (Mức lấp đầy bình thường của phân khúc này trên 85%). Các anh em làm mảng “Thuê Sỉ Nguyên Căn – Cho Thuê Lẻ” chết khá nhiều ở nhóm này, vì chưa tính phần sụt giảm tỷ lệ lấp đầy, thì phần giảm giá phòng 20% – 30% cũng chính là chi phí quản lý và lợi nhuận của họ.
Phân khúc thuê 8-12 triệu đồng/tháng gần như đã chết toàn tập hơn một năm nay. Nhóm này có 2 dạng: Ngắn ngày (Airbnb), Dài ngày. Với loại hình ngắn ngày thì không có khách du lịch gần 2 năm nay. Còn dài ngày thì khách hàng là khách Tây sang Việt Nam làm việc cũng bị hạn chế; Việt Kiều về nước chơi 2-3 tháng cũng không còn; và một số lượng rất ít người Việt có điều kiện thuê ở tạm vài tháng cũng sụt giảm. Chưa kể, các căn hộ chung cư không có khách thuê cũng phải tự giảm giá 20% – 30% so với trước dịch (VD trước dịch cho thuê 15tr, thì nay giảm còn 11tr-12tr/tháng), việc giảm giá này vô tình cạnh tranh trực tiếp với nhóm phòng cho thuê từ 8-12 triệu”. Do đó, phân khúc này đang phải giảm giá xuống 6tr – 8tr để gắng “sinh tồn” qua mùa dịch. Điều này vô hình chung cũng tăng áp lực cho phân khúc 5tr – 7tr.
2. Khi nào thị trường cho thuê phục hồi?
Phân khúc giá thuê dưới 4 triệu đồng/tháng là nhu cầu Ở Cơ Bản. Do đó, chỉ cần dịch bệnh được kiểm soát là nhóm này hồi phục đầu tiên, vì sinh viên sẽ lên thành phố đi học lại, người đi làm cũng cần có chỗ ở và nhanh chóng có thu nhập lại.
Với nhóm giá 5-7 triệu đồng sẽ phục hồi chậm hơn. Nhóm này khách thuê là người đi làm thu nhập khá (20tr – 30tr) và sinh viên nhà khá giả nên tâm lý của họ lo sợ hơn, phải chờ tiêm đủ vắc xin để tâm lý họ ổn định lại và thoải mái hơn trong việc chi tiêu cho chỗ ở. Bên cạnh đó, nhóm này cũng phải chờ nhóm 8tr – 12tr hồi phục, đưa về giá cho thuê bình thường lại để giảm áp lực cạnh tranh.
Riêng nhóm 8-12 triệu thì phải chờ lâu hơn nhiều. Cụ thể, phải chờ căn hộ chung cư hồi phục lại để không phải giảm giá xuống phân khúc này; chờ người nước ngoài sang Việt Nam làm việc ổn định lại, chờ Việt Kiều lại thoải mái về VN chơi 2-3 tháng, và chờ khách du lịch quay lại Việt Nam.
3. Tình trạng những NĐT đầu tư nhà cho thuê
Nhóm 1 “Thuê Sỉ Nguyên Căn – Cho Thuê Lẻ” : Nhóm này có rất nhiều bạn mới ra làm, chưa nhiều kinh nghiệm trong đầu tư Cho Thuê nên trước dịch đã lao đao, dính dịch thì gần như đã chết sạch. Với các bạn già dặn nhiều kinh nghiệm hơn, nếu lỡ chọn phân khúc 8-12 triệu cũng đã chủ động rời cuộc chơi hơn một năm nay. Nhưng khi thị trường hồi phục, các Nhà Đầu Tư “già đời” này sẽ quay lại mạnh mẽ vì các đối thủ cạnh tranh nhỏ đã không còn.
Nhóm 2 “Thuê đất – Xây nhà – Cho thuê” : Nhóm này có sẵn nguồn tiền mặt, mục đích là tạo dòng tiền ổn định lâu dài, đa số chỉ tập trung vào phân khúc dưới 4.5tr nên vẫn ổn. Chỉ cần tỷ lệ lấp đầy đạt 40% là đủ trang trải tiền thuê đất và chi phí quản lý vận hành để “gồng” qua dịch kiếm tiền lại (Nhóm này ít bị áp lực ngân hàng vì phần lớn đầu tư bằng tiền mặt nhàn rỗi).
Nhóm 3 “Sở hữu Nhà Cho Thuê” (có thể tự khai thác hoặc cho nhóm 1 thuê lại) : Người đầu tư nhóm này hướng ưu tiên về sự bền vững ổn định, vừa giữ tài sản lâu dài – vừa túc tắc có thu nhập đều hàng tháng để xài – vừa có cơ hội thu lợi từ tài sản tăng giá qua thời gian dài. Vì bản chất của nhóm này là sự bền vững ổn định nên khi dịch bệnh xảy ra trong 1-2 năm họ cũng không ảnh hưởng nhiều, minh chứng là nhiều chủ nhà thà đóng cửa để đó chứ không giảm giá cho thuê. Bên cạnh đó, nhóm này cũng NẮM giá CHO THUÊ GỐC, nên khi bị trả nhà họ cũng dễ dàng bỏ công ra “tự xử”. VD, 1 căn nhà bình thường cho thuê nguyên căn 40tr/tháng, đơn vị thuê lại khai thác 60tr-80tr/tháng. Giờ đơn vị thuê lại trả nhà, thì chủ nhà tự giảm giá cho thuê lẻ vẫn duy trì được dòng tiền 30tr – 40tr/tháng, có điều phải tốn công tự làm. Các trường hợp giảm giá nhiều cho người thuê, thậm chí miễn tiền thuê 1 tháng, rơi vào nhóm 3 này.
Vậy, nhóm đã “ngục gã” và dễ “chết” tiếp nếu dịch bệnh kéo dài là nhóm 1. Còn nhóm 2 và 3 cũng ảnh hưởng nhưng vẫn giữ được nhịp. Chưa kể, 2 nhóm này cũng có nền tảng tài chính tốt hơn nhóm 1 nên khả năng “gồng” vẫn tốt hơn.
Tác giả : Lê Quốc Kiên.